Bài viết

Phong thủy nhà và sân

 

Tương quan giữa nhà và sân.

Chọn được miếng đất rộng rãi, cảnh chung quanh đẹp, có được sân trước, sân sau hay sân bên…là điều nhiều gia chủ mơ ước. Nhưng quy mô sân so với ngôi nhà, so với các nhu cầu sử dụng lại có ảnh hưởng nhỏ đến nơi cư ngụ. Khoa học phong thuỷ đã có những đúc kết về xem xét tương quan giữa nhà và sân để tìm hiểu và khảo sát tốt khoảng trống luân chuyển khí trong toàn bộ cuộc đất, từ đó đưa ra cách sử lý phù hợp.

 

Vào sân xem gió.

 

Một trong những lưu ý đầu tiên khi xem nhà đất là quan sát phong thế (thế của gió). Nếu thấy sân nhà có gió to và mạnh thì phải cân nhắc. Bởi vì cho dù địa thế ngôi nhà thuận lợi nhưng gió mạnh sẽ không thể tàng phong tụ khí được. Ta hãy thử để ý những nơi ven biển, đồng rộng hay triền đồi gió thổi lồng lộng thường chỉ là chỗ tham quan vài ngày, không thể định cư lâu dài được vì tốc độ gió mạnh hơn nhịp sinh học bình thường của con người. Ngược lại, nếu nhà có phong thế quá yếu, nội khí tù hãm, cũng là điều không hay. Nếu gió mạnh thì dùng cây cối, mảng tường che chắn bớt, nếu gió yếu thì xem thử có bị ngăn trở xung quanh gì không để bố trí quang đãng hơn, tạo khoảng trống đón gió vào. Ngôi nhà lý tưởng nhất là có gió nhẹ hiu hiu, hơi mát trong lành (có thể dùng hồ nước dể tạo sự bốc hơi, giảm nhiệt độ bức xạ bề mặt, trồng cỏ trên sân…) thì mới hợp phong thuỷ.

 

Sân trước nhà quá rộng.

 

Sân trước mỗi ngôi nhà thuộc về phần Minh Đường, rộng rãi sáng sủa thì tốt, nhưng rộng hay sâu quá đến mức nhìn vào chẳng thấy ngôi nhà đâu cả thì lại giảm khả năng đối ngoại và gia chủ khó kiểm soát tốt Minh Đường.

Ngôi nhà truyền thống của nông thôn việt nam xưa nay đều có cách bố trí lối vào vòng vèo (khúc tắc) mới đến nhà ( một số dinh thự, lâu đài bên tây phương cũng vậy), nhưng khoảng đường dẫn đó không xem là sân trước, mà phần sân ngay thềm nhà bước ra mới là một dinh đường. Vì vậy cần xác định quy mô nội Minh Đường này không gấp đôi diện tích xây nhà ( theo kinh nghiệm dân gian) là hài hoà, còn vườn tược trước sau có thể rất rộng tuỳ theo kích thước đất. Việc trồng cây ( các dạng, thân thẳng, dáng đẹp, ít rụng lá như Cau , cọ, thiên tuế…) cho minh đường và bố trí cảnh quan có điểm chính - phụ sẽ giúp khoanh vùng và định vị không gian cho khoảng sân tốt hơn cũng như giảm các tác động xấu bên ngoài vào.

 

Sân sau quá lớn.

 

Đối với nhà phố hiện đại, sân trước ( hay dùng làm chỗ để xe, đặt cây xanh) hay sân sau ( giếng trời, sàn nước…) thường chỉ vừa đủ do đất đai phố thị khan hiếm. Nhưng trường hợp nhà vườn hay biệt thự có diện tích thì cần lưu ý cũng không nên để trống sân sau quá lớn. Khoa học Phong Thuỷ chia phần sân sau nhà ra làm hai vùng: Vùng bảo vệ ( tạo cảnh quan, che chắn các hướng sấu) và vùng hỗ trợ ( chỗ sinh hoạt, phơi phóng , vườn tược). Vùng bảo vệ nên đắp nền cao hơn một chút so với vùng hỗ trợ để tạo nên tàng phong tụ khí đồng thời cũng tránh tụ đọng nước thải sau nhà. Bởi phương vị phía sau mỗi cuộc đất thuộc về hậu chấm của ngôi nhà, nếu cao và dày dặn sẽ làm nên chỗ dựa tốt cho dương trạch theo nguyên lý toạ sơn hướng thuỷ.

 

Nối kết nhà với sân vườn.

 

Cũng như cơ thể con người, ngôi nhà trao đổi dưỡng khí với môi sinh chung quanh thông qua các khí khẩu và khí đạo của toàn nhà. Hệ thống cửa và lối dẫn khí này liên quan mật thiết đến sự nối kết nhà và vườn mà Phong Thuỷ hiện đại có hai thủ pháp chính sau đây:

 

+Đưa nội ra ngoại:

 

Cách nối kết này lấy tư tưởng giao hoà thiên nhiên của triết học đông phương làm chủ đạo, với lối bố cục phân tán các khu chức năng của ngôi nhà sao cho lẩn khuất, xen kẽ vào thiên nhiên, thậm chí một số chỗ chỉ làm mái và ngăn tối thiểu chứ không vây tường kín mít ( như bếp, bàn ăn, chòi nghỉ…)không gian chủ yếu dựa vào bối cảnh của vườn, thêm chút sắp đặt nhân tạo. Dĩ nhiên để cân bằng âm dương, phần tiếp xúc trực tiếp thiên nhiên chủ yếu dành cho các hoạt động vào ban ngày, vốn mang tính dương và động, kề cận với mặt nước (âm - Thuỷ) và cây xanh, như bàn tiếp khách, nơi thư giãn .Đưa nội ra ngoại còn áp dụng ở khu vệ sinh phụ, cần thoáng đãng và tránh tụ ẩm, nên có thể làm theo cách lộ thiên hay bán lộ thiên với các vật liệu nguồn gốc thiên nhiên như gạch, đá, gỗ.

 

+ Đưa ngoại vào nội:

 

Về nguyên lý thì bất kì chỗ nào cũng đưa thiên nhiên vào được, nhưng tốt hơn cả là sử dụng sân trong ( thiên tỉnh) – dù nhỏ, có thể ở khoảng giữa nhà - để đạt trung cung thanh tịnh và thông thiên tốt như nhà ống ở phố cổ Hội An, Hà Nội. Với cách này, cần chú ý chống ẩm và thoát nước tốt cho các khoảng trồng cây trong nhà, tránh muỗi và côn trùng xâm nhập. Đưa ngoại vào nội cũng cần chọn lọc chất liệu theo ngũ hành để bổ sung yếu tố Khắc - Thừa. Ví dụ nhà làm bằng gạch thô nhiều (thừa thổ) thì nên bổ sung đồ mây tre gỗ lá ( để mộc khắc bớt thổ). Nếu nhà sàn bằng gỗ thì mộc vượng quá dễ sinh hoả, cần làm thêm hồ nước bên cạnh để có thuỷ khắc chế.

Tóm lại, để tổ chức tốt không gian giữa nhà và sân, có rất nhiều giải pháp Phong Thuỷ truyền thống cần được kế thừa nhằm giúp cho ngôi nhà hiện đại tạo được sự nhất quán, cân bằng nội ngoại thất và liên kết 3 yếu tố Thiên - Địa – Nhân trong cuốn cư ngụ ngày càng hài hoà hơn.

 

 

Thóang đãng sân trời.

 

Thường thì các ngôi nhà ống, liền kề ở đô thị  đều có sân trời hay sân thượng - khoảng sân trên tầng thượng của ngôi nhà. Không có hoặc thiếu một mảnh sân vườn dưới đất, chủ nhân chỉ còn cách tìm một vuông sân trên không gian như một cách thư giãn tích cực.

Người già nói theo kinh nghiệm: “nhất mộc , nhì vận” - phải nhìn thấy cây cối, thấy mây trời, hưởng không khí trong lành, mới tạo nguồn sinh lực cho nguồn sống trong nhà. Trẻ nhỏ leo mấy trục bậc thang tới sân trời, sung sướng hét lên vài tiếng rõ to như đứng trước biển hay giữa cánh đồng bát ngát. Còn với những người mẹ người chị, có khoảng thoáng rộng đó làm nơi phơi phóng còn gì tiện lợi hơn.

Sân Thượng ngày càng là cả một thế giới riêng của chủ nhân, để được hoà nhập với thiên nhiên thoáng đãng. Khoảng sân được ươm trồng vài khóm cây chịu nắng, xanh lá suốt năm: treo những giỏ phong lan, vài chậu địa lan, hồng tú cầu…Nếu chịu khó chăm sóc sẽ cho hoa rực rỡ sắc màu suốt năm , có sân trời được kiến trúc sư phong thuỷ thiết kế, như một vườn treo vừa bắt mắt lại rất gợi cảm. Những mảng tường, trụ lan can ốp gạch đá, gốm màu làm nổi bật sắc hoa màu lá cùng đường nét mềm mại của thân cành; vài viên cuội lớn đặt lộn xộn có chủ ý một góc sân, đám vịt bằng gốm trông vui mắt cùng với bộ bàn ghế đá được tạo dáng thanh thoát…

Có Nhà công phu hơn, lấy sân trời làm vườn cảnh rất thú vị. Giàn tigôn lá hình tim xanh non, với những chùm hoa phớt hồn say đắm, dây mướp đắng treo lác đác mấy trái chín vàng, thêm hòn non bộ có dòng nước tý tách chảy và bầy cá chép cảnh sặc sỡ bơi lượn thật sinh động. Hoặc mấy cụm chuông gió vang nhẹ tiếng kêu vui tai, hoà cùng tiếng hót líu ríu của đôi Hoàng yến nhảy nhót trong lồng…Hay chiếc chong chóng quay tít chỉ hướng gió, tựa như một chạm thiên văn nhỏ giữa không trung.

Sân Trời, sân thượng thật đúng nghĩa một sân chơi tĩnh lặng, giúp hồn người thư thái giữa phố phường nhộn nhịp đất chật người đông, để cảm thấy cuộc đời này thêm đáng sống….

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục